Nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án Hiến pháp (Áo)

Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Tòa án Hiến pháp giải quyết trách nhiệm bồi thường của nhà nước Áo.[1]

Phân định thẩm quyền

Tòa án Hiến pháp phân định thẩm quyền giữa:

  • tòa án và chính quyền;
  • tòa án tư pháp và tòa án hành chính;
  • những ngạch tòa án khác và Tòa án Hiến pháp;
  • các chính quyền tỉnh;
  • chính quyền tỉnh và chính quyền liên bang.[2]

Cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm quyền lợi vì một cơ quan nhà nước chiếm thẩm quyền của một cơ quan nhà nước khác có quyền thay mặt cơ quan nhà nước đó khiếu kiện cơ quan nhà nước kia. Trường hợp hai cơ quan nhà nước đùn đẩy thẩm quyền cho nhau thì cá nhân, pháp nhân có quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp xác định thẩm quyền thuộc về cơ quan nhà nước nào và yêu cầu cơ quan nhà nước đó thực hiện thẩm quyền.[3]

Chính quyền liên bang và chính quyền tỉnh có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp phân định thẩm quyền giữa hai bên trong một tình huống giả định trước khi xảy ra tranh chấp thực tế. Trường hợp Nghị viện đang xem xét một dự án luật có thể xâm phạm thẩm quyền của các tỉnh thì Chính phủ có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét dự án luật đó. Chính phủ có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét dự thảo nghị định, văn bản pháp luật khác của Chính phủ. Chính quyền tỉnh cũng có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét văn bản của tỉnh. Quyết định của Tòa án Hiến pháp được đăng trên công báo, có hiệu lực tối cao, và ràng buộc chính Tòa án Hiến pháp.[4]

Giám sát hiến pháp

Tòa án Hiến pháp bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Áo:[5] luật và điều ước quốc tế đã được Nghị viện ban hành như luật phải phù hợp với hiến pháp;[6] nghị định và điều ước quốc tế thông thường phải phù hợp với luật; văn bản pháp luật cấp dưới phải phù hợp với văn bản pháp luật cấp trên.[7] Ví dụ: một biển báo giao thông phải phù hợp với cả Luật Giao thông đường bộ và quy định của Bộ Công thương.[8] Áo là một liên bang, các tỉnh đều có hiến pháp riêng nên luật tỉnh phải phù hợp với hiến pháp tỉnh và hiến pháp quốc gia.[9]

Tòa án Hiến pháp không giám sát pháp luật Áo có phù hợp với luật Liên minh châu Âu không.[10]

Luật, nghị định vi hiến bị hủy bỏ từ thời điểm quyết định của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực. Thông thường quyết định của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực sau khi được công bố nhưng Tòa án Hiến pháp có quyền cho thời gian ân hạn cho phép tiếp tục thi hành đạo luật vi hiến. Đối với nghị định thì thời gian ân hạn có thể kéo dài đến sáu tháng, đối với luật thì đến 18 tháng. Trường hợp một nghị định có hiệu lực như một đạo luật thì Tòa án Hiến pháp có thể cho ân hạn đến 18 tháng.[11] Tòa án Hiến pháp được quy định quyết định có hiệu lực hồi tố.

Tòa án Hiến pháp không có quyền hủy bỏ một điều ước quốc tế vì Áo không được đơn phương hủy bỏ một điều ước quốc tế nhưng có thể yêu cầu chính quyền ngưng thi hành điều ước đó. Trường hợp ngưng thi hành sẽ dẫn tới Áo vi phạm nghĩa vụ điều ước thì chính quyền có trách nhiệm đàm phán sửa đổi điều ước hoặc rút khỏi điều ước. Giống như đối với luật, nghị định, Tòa án Hiến pháp có thể cho thời gian ân hạn cho phép tiếp tục thi hành điều ước. Đối với điều ước sửa đổi hiến pháp Liên minh châu Âu thì thời gian ân hạn có thể kéo dài đến hai năm, đối với những điều ước khác thì thời gian ân hạn là một năm.[12]

Cá nhân, pháp nhân có quyền khiếu nại luật tại Tòa án Hiến pháp khi có căn cứ cho rằng luật đó xâm phạm quyền lợi của mình mà không còn biện pháp giải quyết nào khác.[13] Tùy luật, nghị định hoặc điều ước mà chính quyền liên bang, chính quyền địa phương hoặc một tập thể nghị sĩ liên bang hoặc địa phương có thể khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp.[14]

Một tòa án sơ thẩm áp dụng một luật trong quá trình xét xử có thể khiếu nại luật đó lên Tòa án Hiến pháp. Các bên tham gia tố tụng chỉ được khiếu nại luật được áp dụng trong phiên tòa lên Tòa án Hiến pháp sau khi đã có bản án, quyết định của tòa án.[15] Cá nhân, pháp nhân có quyền khiếu kiện quyết định của tòa án hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó xâm phạm quyền lợi của mình. Trường hợp Tòa án Hiến pháp hủy bỏ quyết định của tòa án hành chính thì phải tổ chức xét xử lại.[16]

Khiếu nại bầu cử

Christoph Grabenwarter là chủ tịch Tòa án Hiến pháp từ tháng 2 năm 2020.

Có thể khiếu nại về kết quả bầu cử, trưng cầu ý dân lên Tòa án Hiến pháp. Kết quả bầu cử thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Hiến pháp gồm bầu cử tổng thống, Hạ nghị viện, Thượng nghị viện, Nghị viện châu Âu, hội đồng tỉnh, thành phố, địa phương, thống đốc tỉnh, thị trưởng, chủ tịch địa phương.[17]

Trường hợp có căn cứ cho rằng đã có vi phạm luật bầu cử mà có thể ảnh hưởng đến kết quả thì Tòa án Hiến pháp có quyền yêu cầu kiểm phiếu lại hoặc hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần kết quả bầu cử. Tòa án Hiến pháp bắt buộc phải hủy bỏ kết quả bầu cử nếu người khiếu nại chứng minh rằng vi phạm thật sự ảnh hưởng đến kết quả.[18] Năm 2016, Tòa án Hiến pháp hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống sau khi bên thất cử khiếu nại rằng có bất thường trong công tác bầu cử mặc dù không có căn cứ cho rằng những bất thường này khiến cho bên khiếu nại thất cử.[19]

Tòa án Hiến pháp thi hành luật bầu cử khá nghiêm ngặt[20] và đã hủy bỏ kết quả bầu cử trên nguyên tắc vì có bất thường trong công tác bầu cử mặc dù không ảnh hưởng đến kết quả.[21] Ví dụ: năm 1995, Tòa án Hiến pháp yêu cầu tổ chức lại bầu cử Hạ nghị viện tại thị trấn Reutte vì Bộ trưởng Gia đình Sonja Moser đã đi bỏ phiếu trong lúc thăm quê nhà mặc dù nơi đăng ký bỏ phiếu của bà là Viên chứ không phải Reutte. Cán bộ trông coi khu vực bỏ phiếu biết bà không có tên trên danh sách cử tri nhưng quyết định làm ngơ.[22]

Luận tội quan chức

Tòa án Hiến pháp luận tội một số quan chức bị đàn hặc vì sai phạm trong khi thi hành chức vụ. Tổng thống chỉ bị đàn hặc trong trường hợp vi phạm hiến pháp. Hạ nghị viện quyết định đàn hặc thành viên Chính phủ. Chính phủ quyết định đàn hặc hầu hết những quan chức khác. Thành viên chính quyền tỉnh bị Hạ nghị viện, Chính phủ hoặc hội đồng tỉnh đàn hặc tùy theo tính chất sai phạm. Tổng thống chỉ có thể bị Nghị viện trong một phiên họp chung đàn hặc.[23]

Trường hợp quan chức bị kết tội thì Tòa án Hiến pháp cách chức quan chức đó. Tội nhẹ thì Tòa án Hiến pháp chỉ đơn thuần lưu ý về sai phạm đó. Tội nặng thì Tòa án Hiến pháp có quyền tước quyền chính trị của quan chức, cấm giữ chức vụ khác trong tương lai trong một thời hạn nhất định.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tòa án Hiến pháp (Áo) https://en.wikipedia.org/wiki/File:Wien-Innere_Sta... https://en.wikipedia.org/wiki/File:VfGH-Pr%C3%A4si... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Gruppenfoto_VfG... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Consultation_ro... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Franzjosef.jpg https://www.vfgh.gv.at/index.en.html https://archive.org/details/austriaoutofshad0000pe... https://diepresse.com/home/politik/innenpolitik/50... https://derstandard.at/1348285390471/Die-Verfassun... https://derstandard.at/1277338475613/Unabhaengige-...